2- Chúa Kitô ở lại với Giáo Hội

như thế nào?

 

"Chúa Kitô hiện diện nơi Giáo Hội của Người bằng nhiều cách": "Khi Giáo Hội cầu nguyện... khi Giáo Hội thực thi những công cuộc của lòng xót thương... khi Giáo Hội rao giảng... khi Giáo Hội cai quản Dân của Thiên Chúa... khi Giáo Hội nhân danh Người hiến dâng Hy Tế Thánh Lễ... khi Giáo Hội ban phát các bí tích... nhất là trong Bí Tích Thánh Thể" 

            "Tất cả chúng ta đều nhận biết rằng Chúa Kitô hiện diện nơi Giáo Hội của Người bằng nhiều cách. Chúng Tôi muốn ôn lại dài hơn một chút về một giáo huấn mát lòng được tóm tắt trong hiến chế 'De Sacra Liturgia'. Chúa Kitô hiện diện nơi Giáo Hội của Người khi Giáo Hội cầu nguyện, vì chính Người là Đấng 'cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta, và là Đấng mà chúng ta cầu nguyện với như Thiên Chúa của mình' (Thánh Augustinô). Chính Người là Đấng đã hứa: 'Ở đâu có hai hay ba người vì danh Thày mà tụ họp lại, thì Thày ở giữa họ' (Mt.18:20).

            "Người hiện diện nơi Giáo Hội của Người khi Giáo Hội thực thi những công cuộc của lòng xót thương, chẳng những vì chúng ta làm cho Chúa Kitô bất cứ điều gì lành khi chúng ta làm cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Người, mà còn vì chính Chúa Kitô qua Giáo Hội thực hiện những việc này, Đấng liên tục trợ giúp con người bằng tình yêu thần linh của Người. Người hiện diện nơi Giáo Hội trong cuộc lữ hành phấn đấu của Giáo Hội trong việc tiến đến bến bờ của sự sống đời đời, vì chính Người là Đấng, nhờ đức tin, ngự trong lòng chúng ta (x.Eph.3:17), và là Đấng, bởi Chúa Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta, đổ tràn tình yêu của Người vào lòng chúng ta (x.Rm.5:5).

            "Vẫn theo một cách thức thực sự khác, Người hiện diện nơi Giáo Hội của Người khi Giáo Hội rao giảng, vì Phúc Âm mà Giáo Hội loan báo là Lời của Thiên Chúa, Lời chỉ được rao giảng nhân danh Chúa Kitô, bằng quyền bính của Chúa Kitô và với sự trợ giúp của Chúa Kitô, Lời Nhập Thể của Thiên Chúa. Nhờ đó, hình thành 'một đàn chiên tin tưởng một chủ chiên duy nhất của mình' (Idem, 'Contr. Litt. Petiliani' III,10,11; P.L.43,353).

            "Người hiện diện nơi Giáo Hội của Người khi Giáo Hội cai quản Dân của Thiên Chúa, vì quyền năng linh thánh của Giáo Hội từ Chúa Kitô mà có, và vì Chúa Kitô, 'Vị Mục Tử của Các Mục Tử' (Thánh Augustinô), hiện diện nơi các vị chủ chiên thực thi quyền linh đó, như lời Người hứa với các Thánh Tông Đồ: 'Này đây Thày ở cùng tất cả các con hết mọi ngày cho đến tận thế'.

            "Hơn thế nữa, bằng một cách còn cao trọng hơn nữa, Chúa Kitô hiên diện nơi Giáo Hội của Người khi Giáo Hội nhân danh Người hiến dâng Hy Tế Thánh Lễ; Người hiện diện nơi Giáo Hội khi Giáo Hội ban phát các bí tích...

            "Không ai mà không biết rằng các bí tích là những tác động của Chúa Kitô, Đấng ban phát chúng cho con người ta. Bởi thế, các bí tích tự mình là thánh, và bởi quyền năng của Chúa Kitô chúng tuôn đổ ân sủng vào linh hồn (con người) qua việc giao tiếp với thân xác (của họ). Trí khôn (con người) bàng hoàng trước những cách thức hiện diện khác nhau của Chúa Kitô; những cách thức làm cho Giáo Hội đối diện với một mầu nhiệm vẫn được hoàn toàn thấu nhận.

            "Thế nhưng, vẫn còn một cách thức khác nữa Chúa Kitô hiện diện nơi Giáo Hội của Người, một cách thức vượt trên tất cả mọi cách thức khác; đó là cách hiện diện của Người trong Bí Tích Thánh Thể, một bí tích mà vì thế đã là 'một nguồn mạch tôn sùng êm ái hơn, một đối tượng chiêm ngưỡng dễ thương hơn, một phương tiện thánh hóa hiệu lực hơn tất cả mọi bí tích khác' (Aegidius Romanus). Lý do tại sao thì đã rõ ràng; vì bí tích này chất chứa chính Chúa Kitô và là 'một thứ trọn hảo của đời sống tâm linh; tóm lại, là mục đích của tất cả mọi bí tích' (Thánh Tôma tiến sĩ).

            "Cách hiện diện này được gọi là 'thực' (real) - nói như thế không có ý loại trừ tất cả mọi cách hiện diện khác như cho rằng chúng không phải là 'thực', song bởi vì đây là cách hiện diện trọn nghĩa nhất (in the fullest of sense): nói như thế cũng như thể nói, đây là một cách hiện diện chính yếu (a substantial presence) mà Chúa Kitô, Thiên Chúa làm Người (the God-Man), hiện diện một cách toàn thể và toàn vẹn (wholly and entirely). Bởi thế sẽ sai lầm khi cắt nghĩa cách hiện diện này, bằng việc căn cứ vào bản chất 'thiêng liêng' (spiritual), như tên gọi của nó, nơi Thân Xác hiển vinh của Chúa Kitô hiện diện khắp nơi, và bằng việc biến cách hiện diện này thành một thứ biệu hiệu (a kind of symbolism), như thể Bí Tích cực trọng này không gồm tóm gì khác ngoài một dấu tác hiệu (an efficacious), 'của việc Chúa Kitô hiện diện linh thiêng và của mối hiệp nhất thân tình giữa Chúa Kitô với các tín hữu là những chi thể nơi Nhiệm Thể của Người' (Đ. Piô XII, thông điệp Humani Generis)

            "Vì biểu hiệu thánh thể (eucharistic symbolism) làm cho chúng ta hiểu về công hiệu xứng hợp với Bí Tích này, đó là mối hiệp nhất nơi nhiệm Thể (Giáo Hội), chứ nó không nói lên hay cắt nghĩa lý do làm cho Bí Tích này khác với tất cả các bí tích khác. Giáo huấn liên tục đồng nhất mà Giáo Hội Công Giáo truyền lại cho các giáo lý viên của mình, kiến thức của dân Kitô giáo, giáo điều được xác tín bởi Công Đồng Chung Triđentinô, những lời được Chúa Kitô dùng khi Người thiết lập Thánh Thể Cực Thánh, buộc chúng ta phải công nhận rằng: 'Thánh Thể là xác thịt của Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô chúng ta, Đấng đã chịu khổ đau vì các tội lỗi của chúng ta và là Đấng mà Cha đã phục sinh theo lòng từ ái của Ngài'. Thêm vào những lời này của thánh Ignatiô Antiôkia, chúng ta có thể thêm những lời của Theodore Mopsueta, một chứng nhân trung thành với đức tin của Giáo Hội về điểm này khi nói với tín hữu: 'Chúa không nói: Đây là một biểu hiệu Mình của Thày, và đây là một biểu hiệu Máu của Thày, song Người nói: Đây là Mình của Thày và Máu của Thày. Người dạy chúng ta đừng nhìn vào bản chất của những vật đó ở ngay trước chúng ta và là những vật được thấy được bằng các giác quan, vì, bởi lời cầu tạ ơn và những lời được phán trên chúng, chúng đã được thay đổi thành Thịt và Máu'.

            "Công Đồng Chung Triđentinô, căn cứ vào đức tin của Giáo Hội này, 'tuyên xưng rõ ràng và thực sự rằng trong Bí Tích Thánh Thể, sau khi bánh và rược được Thánh Hiến, Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, Thiên Chúa thật và là người thật, dưới những hình dạng bề ngoài này (under those outward appearances), được chứa đựng (contained) một cách thực sự (really)ï, một cách đich thực (truly) và một cách chính yếu (substantially)'. Như thế, Chúa Cứu Thế, theo nhân tính của mình, chẳng những đang hiện diện bên hữu Chúa Cha theo cách hiện diện tự nhiên của việc hiện hữu, mà còn hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể bằng một thể thức hiện hữu chúng ta không thể nào dùng lời diễn tả được, một thể thức, với trí khôn được đức tin chiếu soi, chúng ta có thể hiểu được, và phải tin hết sức vững vàng, Thiên Chúa có thể làm cho nó xẩy ra' (sắc lệnh về Thánh Thể, chương 1).

(Thông điệp "Mysterium Fidei", Saint Paul Books and Media, tr. 16-20)